Có một thiên đường lặn biển ở Bali

  • Home
  • /
  • Blog
  • /
  • Có một thiên đường lặn biển ở Bali
Ngày đăng: Tháng Chín 3, 2020
Tác giả: Viet Divers

BALI - nơi ngập tràn những hình ảnh lung linh và sống động bên cổng trời, xích đu giữa biển rừng, những bữa sáng hoành tráng nổi trên những bể bơi xanh ngắt nhìn ra thiên nhiên bao la, thì bạn có biết, đây còn là một thiên đường dành cho dân lặn biển, cho những người yêu biển và thế giới dưới nước.

Tầm nhìn nước 30 mét trong vắt và sáng trưng dưới đáy biển cát đen, bờ biển trải dài bởi sỏi cuội đen hình thành từ vùng núi lửa, khiến nước biển ở đây trong, xanh đậm rất đặc trưng, nhìn có vẻ tối, mà thực ra là một màu xanh thẫm đặc biệt của vùng biển núi lửa.


Nhóm các bạn lặn Viet Divers đã có 3 ngày lặn tại đây, cụ thể là khu vực Tulamben và Nusa (đảo) Penida - yay, nơi đảo mọi người lên check in ở sống lưng khủng long thì bọn mình khám phá rặng đá nơi trú ẩn của đàn hàng chục con Manta Ray - Cá đuối đại dương ở dưới đáy biển của hòn đảo.

  Xe di chuyển từ sân bay Denpasar đến khu vực Tulamben, Kubu mất 3 tiếng đường đèo núi ngoằn nghèo, nếu đi ban ngày bạn sẽ ngắm được các khu làng đậm chất truyền thống của Bali và rừng, ruộng bạt ngàn, phóng tầm mắt ra ngọn núi lửa Agung. Bọn mình ở một resort lặn và spa ở khu vực Tulamben, các điểm lặn ở ngay “trước cửa” dive shop và di chuyển dọc theo biển vài trăm mét đổ lại

Ở Sân bay Denpasar - từ sân bay đến Tulamben mất 3 tiếng đi xe.

Thủ tục quen thuộc trước khi lặn: kiểm tra bằng lặn, ký giấy xác nhận sức khoẻ và miễn trừ trách nhiệm.

Lặn từ bờ (shore dive)

Bữa tối sau một ngày lặn "miệt mài"

Ngày lặn đầu tiên là “lặn tuỳ thích” đến tối đa là 5 ca lặn, bọn mình đã “xử” 4 ca lặn trong ngày đầu, thành viên nào mệt thì nghỉ, hoặc các bạn Open Water còn ít kinh nghiệm thì sẽ chưa được tham gia ca lặn đêm. Tất cả các ca lặn đều thực hiện từ bờ.

Điểm lặn Suci Palace là một điểm lặn thú vị “phải đến” phù hợp cho những người mới bắt đầu lặn (Open Water Diver còn ít kinh nghiệm lặn). Chỉ cách bờ tầm 20m đổ ra, độ sâu từ 7 - 20m, khu vực được đặt nhiều tượng phật, những mô hình đền đặc trưng của Indonesia, các khối tượng và khối bê tông kiến trúc đa dạng trở thành một “khu đô thị” cho san hô, cá và các loài sinh vật biển. Nhiều nhất là các tổ anemone, tôm nhỏ, sên biển, cá mú, những đàn cá vây lưng vàng và bạc, rất sinh động và thú vị.

Hải quỳ và là nhà của một tổ cá hề - "Nemo family"

Một khung sắt đươn giản với san hô được cấy trồng và rất nhiều cá

Tượng phật dưới đáy biển

Rạn san hô nhân tạo

Thợ lặn bơi vào - đàn cá bơi ra 😀

Điểm lặn nổi tiếng thế giới ở khu vực này là Xác tàu Hải quân Mỹ Liberty - USSAT II, đã chìm ở đây từ sau thế chiền II. Con tàu hiện bị vỡ làm 2 phần nằm trải dài từ độ sâu 5m đến 30m, các thợ lặn có thể lặn bộ từ bờ ra và dành cho cả các snorkellers/freedivers muốn thám hiểm từ khoảng cách độ sâu khác nhau. Xác tàu đã trở thành khu quy hoạch đông đúc cho các loài sinh vật biển, các loài lớn như rùa, cá mó đầu gù (humphead fish) hay cá chình thân to bằng cả bắp đùi người lớn. Xác tàu là điểm lặn thú vị cho mọi thời điểm trong ngày: 6h sáng lặn để đón bình minh sáng xuyên làn nước, lúc những đàn cá đầu gù lũ lượt kéo đàn bơi ra đại dương như đàn tàu ngầm mini sau một đêm kiếm ăn ở xác tàu. Lặn đêm ở đây để khám phá các ngóc ngách thân tàu, nơi bọn cá mú lớn, cá đầu gù dài gần 2m, cá chình lớn, tôm lách cách bò ra kiếm ăn, ánh đèn thợ lặn nhộn nhịp cả vùng xác tàu huyền bí, kết thúc ca lặn, các thợ lặn còn được chiêm ngưỡng cả một bầu trời sao bạt ngàn sáng quắc trên nền trời đêm trong vắt...

Đàn cá vây lưng vàng

Sweet lips fish

San hô mềm trên xác tàu

Bên 1 góc nhỏ của xác tàu

Một mảnh thân tàu được san hô bao phủ, là nhà của rất nhiều loài sinh vật

Lặn bên trên mảnh thân tàu

Rất đông người lặn ở đây, chụp hình các loài sinh vật biển đa dạng, phong phú.

Các mảnh xác tàu

Điểm lặn Drop Off nằm cách khoảng 50m bờ biển bên phải điểm lặn Suci Palace. Là một vách đá dài sâu cách bờ khoảng 20m, tại đây san hô nhiều màu sắc, dương biển to như những rừng quạt hay cây hoa ngày tết, măy mắn bạn sẽ tìm đc cá ngựa độc đáo tại đây, cá rạn thì nói, chi chít. Và ở bãi cát nông gần bờ (độ sâu 3-5m luôn có đàn cá vây lưng vàng lấp lánh tụ tập, lẫn trong đó là cá mú các loại.

Có nhiều điểm lặn để đi tàu ra từ Tulamben, các điểm lặn bám từ các vách đá của mỏm nhô ra từ vịnh đến ngoài biển. Các vách đá tạo nên các điểm lặn vách (wall dive) sâu, mùa lặn đẹp nước trong tầm nhìn 30m, các đàn cá chi chít từ mặt nước đến độ sâu xanh thẫm đều khiến bạn lặn không khỏi phấn khích và rất phân tâm, khi một bên quay mặt vào vách là rạn san hô và các loài sinh vật biển, quay ra ngoài đại dương xanh là thảm cá rải đều từ trên mặt nc xuống dưới đáy sâu xanh thẫm. May mắn thì cũng sẽ gặp các mập hay rùa lởn vởn ở những vách này. Nơi đây ng địa phương cũng “rảnh rang” đặt bộ bàn ghế với vài chai rượu ở vị trí ngồi “nhâm nhi” là nhìn ra khỏi vách rạn để ngắm cá trên nền xanh thẫm của biển vùng đá núi lửa.

Là vách đổ từ vịnh ra ngoài nên bạn cũng dễ dàng tham gia vào những ca lặn driff dive ở đây - chỉ việc thả trôi cho dỏng chảy đưa bạn đi tham quan dọc các vách đá hay sườn dốc.

Ở đây, người ta đi lặn với các tàu truyền thống của ngư dân. Nhưng nguòi dân đánh cá ở lang này, đã chuyển hết sang làm dịch vụ du lịch lặn, sử dụng tàu truyền thống đánh cá của họ để chở khách, và làm porter khiêng bình cho các ca lặn từ bờ. Mọi người đều có thể kinh doanh, làm việc phát triển tốt với dịch vụ du lịch lặn, đồng thời bảo tồn biển và hệ sinh thái biển rất tốt.

Các dốc đầy san hô khoẻ mạnh và cá

Ca lặn từ tàu, đi chỉ mất 5 -15 phút tuỳ các điểm, nước biển trong vắt

Từ một hốc đá nhìn lên mặt nước

Những bụi san hồ hình quạt (dương) đa dạng màu sắc và kích thước

Bản đồ các điểm lặn và bảng dive briefing trước mỗi ca lặn cho các nhóm lặn

Điểm nhấn của chuyến đi lặn là 2 ca lặn ở Nusa Penida (đảo Penida) để canh cá Mola Mola và màn trình diễn trên sân khấu lớn của đàn Manta ray khổng lồ (cá đuối đại dương).

Điểm Mola Mola hay xuất hiện là một vực sâu bên hông đảo, mặt hướng ra đại dương. Vách “chờ” cá dốc dài từ 15 xuống dưới sâu hơn 30m, nước rất chảy và lạnh (18-24 độ C). Các nhóm thợ lặn sẽ xuống khoảng từ 20-30m, bám vách, hít thở nhìn ra khoảng xanh vô định chờ các ông thần bà thần Mola Mola xuất hiện. Vì là các ông thần bà thần nên thích thì xuất hiện cùng lúc 3 đứa như 3 cái phi thuyền khổng lồ dẹp lép trước mặt những nhóm lặn may mắn. Nhóm may mắn hơn nữa (đa số là “may măn hơn”) thì quặt quẹo quắn quéo tầm 15ph ở độ sâu dạt dào rét mướt ko chịu nổi đành quay clip rùa rồi hối hả đạp fins về tàu. Phi tàu cao tốc qua điểm lặn Manta Ray.

Quang cảnh "bám vách" để chờ Mola Mola ở độ sâu 24 - 28m

Nếu bạn thắc mắc "đông người lặn lắm" là như thế nào 😀

Khi bạn được bơi gần một em cá đuối đại dương

Một ca lặn lạnh lẽo khác được đền bù xứng đáng với màn trình diễn ngoạn mục của hàng chục con cá đuối đại dương (manta ray) từ sau một rặng đá lớn nằm ở độ sâu từ khoảng 18m đến 7-8m nước. Tất cả các thợ lặn đều bị chặn dừng trước rặng đá này, và rồi, như màn trình diễn ngoạn mục từ sân khấu là rặng đá khổng lồ kia, một đàn phải hơn 20 con cá đuối đại dương trưởng thành với sải cánh 2-4m mỗi con, nối nhau ùa từ dưới rặng đá lên dưới những tia sáng lấp loá từ mặt nước, bọt khí từ dàn khán giả “ào ạt” tất cả tạo nên một khung cảnh ngoạn mục - đó là một khoảnh khắc khó quên của tất cả các bạn lặn ngày hôm đó, đến cả những bạn guide cũng “hò reo” nhảy múa, vỗ tay nhau dưới nước đầy hớn hở 😀

Tạm biệt Bali

Nhóm về còn tranh thủ thăm thú được khu vườn Tirta Gangga, một khu vườn của "cung điện" trên nước với nhiều cảnh "thần tiên" nổi tiếng trên instagram

Nhóm về còn tranh thủ thăm thú được khu vườn Tirta Gangga, một khu vườn của "cung điện" trên nước với nhiều cảnh "thần tiên" nổi tiếng trên instagram

Tạm biệt Bali và đáy biển đại dương đầy mê hoặc, bọn mình còn hẹn nhau sẽ quay trở lại, nhất định phải "săn" cho được em Mola Mola và khám phá thêm hòn đảo thiên đường nhiệt đới này.


Các bạn có thể xem thêm ảnh và clip về chuyến đi tại facebook Page Viet Divers hay kênh youtube https://www.youtube.com/watch?v=5JBy3V78gO0

Viet Divers - ăn.lặn.yêu